Quê hương! Ai cũng có một dòng sông quê nhà, nhiều nhà thơ, nhà văn đã nói lên điều đó: “Đi đâu xa cũng nhớ về dòng sông”, rồi ” Khóc một dòng sông”, “Dòng sông tuổi thơ”, “Dòng sông đã qua đời”…
Quê tôi có dòng sông tên gọi đơn giản, sông Hàn. Ngôi nhà tôi lớn lên cạnh dòng sông nên nhiều kỷ niệm. Lúc nhỏ bọn trẻ con chúng tôi hay thắc mắc vì sao con sông mình tên “dở” vậy, ừ nhỉ, sao không là sông Hương (Huế), sông Nhật Lệ ( Quảng bình), sông Hoài (Hội An)… Chỉ là tuổi thơ nên ganh tị, chứ gìa rồi, thấy không sông nào, tên nào đẹp bằng sông quê nhà!
Quê nội tôi bên kia bờ sông, khoảng cách không xa, nhưng vời vợi bởi phương tiện là con đò chèo. Quận nhất bên này, quận ba bên kia mà như hai thành phố khác. Tầm 7,8 tuổi, ngày giỗ phải qua đò về quê, tôi từng khóc sướt mướt vì sợ con đò sẽ chìm mất! Một người chèo ra sức đưa 10 người sang sông, có chiếc cano chạy lướt qua, sóng đánh chòng chành, nước văng tung toé, con đò chòng chành. Tôi sợ quá! Lên tới bờ, thì bị chọc, “lêu lêu, con ông Nh. không mặc quần” (vì mặc đầm). Những lúc đó, tôi đi mà mắc cỡ liu xiu tay túm chặt áo.
Con sông quê nhà, với tôi là cả một dấu ấn. Nhớ những đêm trăng, ánh trăng dọi xuống dòng sông, mặt nước lăn tăn tuyệt đẹp. Những câu hò của chiếc radio bên kia sông theo chiều gió vẳng qua bên này sông.
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”.
Tôi lớn lên, thành phố phát triển hơn, nay có thêm con phà chở khách qua sông bên cạnh những chuyến đò…
Nơi nào xa nhất đó là qúa khứ vì chúng ta không thể trở về được, và đó là những câu chuyện ngày thơ!
Dòng sông không phải luôn hiền lành, có những ngày mưa lũ, nước chảy xiết dữ dội, đục ngầu kéo theo những đám lục bình trôi. Chúng tôi những đứa trẻ học Nguyễn Hiền trai gái rủ nhau xăng quần, túm áo ra bờ sông ngắm cảnh dòng sông cuồn cuộn sóng. Cảm giác sợ hãi nhưng pha lẫn thích thú, trẻ con mà!
Quê tôi đơn giản nên đặt tên gọi thật giản đơn, dễ nhớ. Sông Hàn bên cạnh chợ Hàn. Mấy chục năm sau, xây cái cầu ngay trung tâm thành phố cũng kêu tên cầu sông Hàn. Cái cầu đã đem lại sự văn minh, cân bằng cho bên kia sông. Lúc xưa người quận Ba qua bên quận Nhất chơi gọi là qua Hàn, con nít được qua Hàn là chuyện xa xỉ, nên mới có câu đùa (mặc dù tôi không thích câu này) “Con gái quận Ba thua bà già quận Nhất”.
Nhất cận giang nhì cận thị, nên cạnh dòng sông là chợ Hàn. Ngày ấy chợ chủ yếu là người Hoa với những tiệm chạp phô. Tôi ở đường Bạch Đằng, xóm 12 gian thì hết 6 gian người tàu, hầu hết là thương gia buôn gạo. Nhiều người hay sợ sâu, tụi tôi không sợ, lúc nhỏ cứ bắt sâu gạo bỏ vô lon sữa bò chơi .
Chúng tôi đi học, đứa trường Pascal, kẻ Thọ nhơn, Nữ tiểu học… Chiều chiều ra trước sân nhảy dây, đem vở ra khoe điểm, tui khoe điểm 8,9,tụi con nít tàu trề môi chê dốt, nó đưa vở, trời đất điểm 98,99..Té ra trường Hoa ngữ cho điểm tối đa 100!
Đà Nẵng cũng có 2 tên chợ thật nên thơ, tôi đến một lần lúc nhỏ nhưng không hề quên, chợ Chiều và chợ Mai tận bên Sơn Chà. Nghe rất thích, không như cái tên chợ Cồn…
Nhập gia tùy tục, xuất gía theo chồng, tôi về đi chợ Đống Đa (đơn giản vì nằm trên đường Đống đa). Người ta nói chợ Hàn là chợ nhà giàu, chợ Đống đa là chợ nhà nghèo. Chắc là vậy, bạn có thể mua 2 ngàn ớt, 3 ngàn tỏi, 5 ngàn bí đao (được thêm hành ngò), chuối mua 10 ngàn mà người bán cũng chẳng phiền hà, đáng yêu vô cùng!
Dù đi đâu, ở đâu, chắc chắn trong chúng ta cũng có không ít thì nhiều những kỷ niệm về quê hương. Con gái lớn tôi đi định cư theo chồng ra nước ngoài. Ngày về quê tôi đèo nó sau xe máy, nó thỏ thẻ:
-“Con sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nên thấy thành phố này luôn đẹp, con chưa bao giờ cảm thấy chán nó”.
Ngày về xứ người thằng cháu ngoại 7 tuổi gọi về mét:
-“Máy bay bay ngang núi Sơn Chà thấy mẹ khóc. Con hỏi, sao mẹ khóc? Mẹ nói, xa Đà Nẵng mẹ nhớ nên buồn chút”.
Đúng rồi đó con, chúng ta ai cũng chỉ có một quê hương, cũng như chỉ một Mẹ mà thôi!
Tháng 5 viết cho những học sinh TTGD Nguyễn Hiền, dù tiểu học hay trung học, tôi muốn gửi đến đến các bạn những ký ức quê nhà).
Hồng Huệ, lớp 10/75